Chuyên gia hướng dẫn cách phát hiện sớm dị tật thai nhi
Dị tật bẩm sinh là một trong những nỗi lo của bậc phụ huynh đối với sự phát triển và chất lượng sống của con trẻ. May mắn với sự phát triển của y học, công nghệ và trang thiết bị y tế hiện đại đã có thể phát hiện rất sớm các dị tật bẩm sinh từ phôi thai đến sơ sinh.
Thông tin trên được các chuyên gia Sản khoa – Sơ sinh – IVF Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Tầm soát dị tật bẩm sinh từ phôi thai đến sơ sinh” tối ngày 10/02/2023 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Theo thông tin được nêu trong Hướng dẫn “Phát hiện sớm – Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em” được Bộ Y tế công bố đầu năm 2023, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị khuyết tật trong độ tuổi 0-17, chiếm tỷ lệ 3,1%. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh, chiếm khoảng 55-65%, còn lại là do bệnh tật.
Bộ Y tế cũng chỉ ra mẹ trên 35 tuổi và bố ngoài 45 tuổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.
Chia sẻ thêm về nhóm đối tượng nguy cơ, BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong thai kỳ nếu mẹ bị nhiễm trùng bào thai, tiếp xúc với các chất độc hại như bức xạ, thuốc nhóm X, hóa chất nguy hiểm hoặc nghiện các chất kích thích như rượu bia, ma túy… sẽ tăng nguy cơ sinh con bị dị tật.
Bác sĩ Lâm Khoa cho biết thêm, bố mẹ không có yếu tố kể trên vẫn có nguy cơ sinh con bị dị tật bởi còn yếu tố di truyền, có thể chỉ xảy ra tại thời điểm thai kỳ lần này. Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng bởi có nhiều dị tật có thể dự phòng được trước khi sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh có thể được dự phòng bằng cách bổ sung acid folic đầy đủ trước khi mang thai, dự phòng tốt các bệnh lý nền như kiểm soát tốt đường huyết ở mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, kiểm soát huyết áp ở mẹ bầu bị tăng huyết áp mạn tính… Bằng cách dự phòng các yếu tố nguy cơ sẽ giúp thai kỳ được khỏe mạnh, an toàn và thuận lợi hơn.
Một trong những cách giúp tầm soát dị tật bẩm sinh trong phôi thai là sàng lọc di truyền. ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, kỹ thuật sàng lọc di truyền được gọi là sinh thiết phôi (PGT), xét nghiệm di truyền của phôi trước giai đoạn làm tổ.
Thông thường, sinh thiết phôi được chỉ định ở những cặp vợ chồng lớn tuổi (vợ trên 35 tuổi và chồng trên 45 tuổi), vợ chồng mang những bất thường di truyền hoặc có tiền căn sinh con bất thường. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, những trường hợp này nên cân nhắc làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) và sinh thiết phôi.
Nghĩa là lấy trứng từ mẹ và tinh trùng từ bố ra và nuôi trong môi trường IVF đến giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5 hoặc ngày 6), tiến hành sinh thiết một vài tế bào phôi (3-5 tế bào), xét nghiệm di truyền phôi phát hiện những bất thường gen hoặc NST nếu có. Khi không có kết quả bất thường sẽ tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung, giúp mẹ mang thai và chào đón một em bé khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả trẻ sơ sinh sau khi chào đời cần được thực hiện sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh, những rối loạn nội tiết tố trong cơ thể trẻ (tuyến giáp trạng, chuyển hóa chất đạm, đường, béo) hoặc những bệnh lý liên quan đến bất thường hồng cầu, thường gặp nhất là tan máu bẩm sinh hoặc thiếu men G6PD.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh – Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo bố mẹ không nên chủ quan, bỏ qua bước sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Lý do bởi ở những tuần đầu tiên trẻ hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng. Tuy nhiên, những bệnh lý bẩm sinh thường khởi phát muộn, nếu không sàng lọc phát hiện sớm, khi xuất hiện triệu chứng là lúc trẻ trở nặng và có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn giữ được tính mạng, trẻ cũng đối mặt nguy cơ tàn tật suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này.
Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tất cả các trẻ sơ sinh sau khi chào đời sẽ được bác sĩ Nhi – Sơ sinh thăm khám, kiểm tra tổng quát để phát hiện những dị tật bẩm sinh. Sau đó, trẻ được đo thính lực để tầm soát khiếm thính bẩm sinh, tầm soát bệnh tim bẩm sinh nặng. Sau 48-72 giờ, trẻ được lấy máu gót chân giúp sàng lọc lên đến 73 bệnh có thể mắc phải.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Sản – Sơ sinh – IVF Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
Nội dung của chương trình tư vấn
1. Làm thế nào để sinh con không mang dị tật bẩm sinh?
Em 35 tuổi và chồng em 39 tuổi đã sinh một bé 6 tuổi nhưng không may mắn bé bị dị tật không có khớp khuỷu tay. Năm ngoái em mang thai lần 2 nhưng cũng không may mắn bé bị nứt đốt sống thể hở nên buộc phải bỏ thai. Vợ chồng em không biết tại sao cả 2 lần mang thai con đều bị dị tật, có phải do yếu tố di truyền hay là vấn đề nào khác? Vợ chồng em rất mong có em bé, nhờ bác sĩ tư vấn cách mang thai được an toàn, không bị dị tật nữa. Em xin cảm ơn. (Khán giả Anh Linh gửi câu hỏi về chương trình)
ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến: Để có câu trả lời chính xác về việc các bất thường thai nhi có liên quan yếu tố di truyền hay không cần thăm khám cả cha mẹ và những tiền căn khi phát hiện bất thường ở lần mang thai này.
Vợ chồng cần thăm khám với bác sĩ tiền sản và di truyền học để được đánh giá đầy đủ và cụ thể. Nếu quá trình thăm khám tìm thấy những bất thường sẽ tiến hành sinh thiết phôi. Lúc này để loại trừ gen bệnh và giúp người vợ mang thai em bé bình thường, khỏe mạnh sẽ thực hiện kỹ thuật IVF và sinh thiết phôi, sàng lọc phôi bệnh.
Cần lưu ý rằng, độ tuổi người vợ đã bắt đầu qua ngưỡng 35 tuổi số lượng trứng và chất lượng trứng sẽ giảm, có thể gây khó khăn hơn trong việc có em bé. Do đó, hai vợ chồng nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được đánh giá tổng quát sức khỏe sinh sản hai vợ chồng, giúp chúng ta có bức tranh toàn cảnh, nhìn nhận những vấn đề đang gặp phải và giúp vợ chồng sớm có em bé khỏe mạnh.
2. Phát hiện sớm dị tật bẩm sinh bằng cách nào?
Năm 2020 vợ chồng em sinh một bé gái bị hở hàm ếch. Theo em tìm hiểu thì dị tật bẩm sinh này có liên quan đến yếu tố di truyền, nếu vợ chồng em sinh thêm một bé nữa thì nguy cơ hở hàm ếch có cao không? Và hiện nay có cách nào giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch không ạ? (Khán giả Na Đặng gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Không biết dị tật hở hàm ếch được phát hiện trong thời gian mang thai hay sau khi sinh và có kèm tật sứt môi hay dị tật nào khác không. Nếu kèm theo các dị tật khác thì tiên lượng khác nhau bởi không phải tất cả các trường hợp hở hàm ếch đều liên quan đến di truyền.
Bạn nên đưa bé đến khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tầm soát những bất thường khác nếu có bởi có thể bị sót trong quá trình thăm khám thường quy. Ngoài ra, bẹn nên đến Trung tâm Sản Phụ khoa để được thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm di truyền trong trường hợp nghi ngờ bé có bất thường liên quan đến di truyền. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy có yếu tố di truyền, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn khả năng lặp lại bất thường ở lần mang thai kế tiếp là cao hay thấp, và tư vấn cho bạn nên làm gì để giảm nguy cơ ở những lần mang thai sau.
3. Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh giúp phát hiện những bệnh lý gì?
Khi sàng lọc sơ sinh vì sao phải lấy máu ở gót chân mà không phải ở vị trí nào khác? Xét nghiệm lấy máu gót chân trẻ sơ sinh giúp phát hiện những bệnh lý gì? Việc làm này có gây đau đớn hay ảnh hưởng gì lên trẻ không? (Khán giả Dương Phạm gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh: Sàng lọc sơ sinh được Bộ Y tế khuyến cáo là xét nghiệm thường quy, tại những cơ sở y tế tuyến đầu đều có thể thực hiện được. Theo nghiên cứu nhận thấy vị trí gót chân dễ lấy máu nhất và trẻ ít đau nhất. Có thể bố mẹ thấy mới sát trùng trẻ đã la là do bé sợ chứ không phải do đau.
Ngoài ra khi lấy máu các bác sĩ sẽ có biện pháp hỗ trợ giảm đau cho bé. Lấy máu gót chân sẽ giúp phát hiện những bệnh lý như rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, bẩm sinh di truyền và có thể tầm soát lên đến 73 bệnh. Bố mẹ có thể yên tâm việc làm này không hề gây đau đớn và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
4. Nên sàng lọc phôi ngày 3 hay ngày 5?
Em 37 tuổi và chồng 41 tuổi, từng mang thai 2 lần nhưng đều bị lưu thai. Hiện tại vợ chồng em cũng lớn tuổi nên quyết định làm IVF. Cuối năm ngoái vợ chồng em làm IVF thu được 5 phôi, trong đó có 2 phôi ngày 5 và 3 phôi ngày 3. Vì em có tiền sử lưu thai 2 lần nên bác sĩ khuyên em làm sàng lọc phôi trước khi chuyển phôi.
Vậy bác sĩ cho em hỏi, em nên làm sàng lọc phôi ngày 3 hay ngày 5, cái nào sẽ cho kết quả chính xác hơn? Việc sàng lọc phôi có ảnh hưởng gì đến chất lượng của phôi không? Em xin cảm ơn. (Khán giả Đoàn Thiên Trang gửi câu hỏi về chương trình)
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến: Nên sinh thiết phôi ngày 5 bởi trong giai đoạn phôi nang, tức là phôi ngày 5-6 phần tạo ra thai nhi và dây rốn đã tách biệt bởi khoang dịch phôi, vì thế có thể dễ dàng lấy tế bào khỏi dây rốn. Phôi ngày 3 tế bào đang trộn lẫn nhau nên không thuận lợi, có thể ảnh hưởng đến em bé sau này.
Việc lưu thai 2 lần liên tiếp ngoài nguyên nhân từ bất thường di truyền còn có các nguyên nhân chưa sàng lọc khác như bất thường buồng tử cung, hoặc bất thường bẩm sinh như tử cung có vách ngăn, tử cung 1 sừng, tử cung 2 sừng… Hoặc việc nạo hút thai sau lưu thai có thể gây dính buồng tử cung. Ngoài ra còn có hội chứng kháng Phospholipid, hiểu đơn giản là nhóm nguyên nhân rối loạn đông máu đầu thai kỳ gây tiền sử sảy thai liên tiếp. Vì thế, bạn nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được sàng lọc nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp, từ đó có hướng điều trị chính xác và hiệu quả.
5. Thận lạc chỗ có phải dị tật bẩm sinh không?
Em sinh bé đầu năm 35 tuổi, hiện bé được 6 tuổi. Em vừa cho bé siêu âm ổ bụng, bác sĩ bảo thận bé nằm không đúng chỗ và bảo chỉ theo dõi khi có bất thường mới cần nằm viện. Em rất hoang mang không biết đây có phải là dị tật bẩm sinh không? (Khán giả Nguyên Hoàng gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh: Có thể bất thường bạn mô tả đã có từ lúc mới sinh nhưng không được siêu âm tầm soát, khi trẻ được 6 tuổi mới phát hiện. Đây là dị tật buộc phải theo dõi lâu dài vì tiềm ẩn những biến chứng suy thận hoặc nhiễm trùng tiểu. Do đó, bạn nên đưa bé đến khám với các chuyên gia Nhi khoa để được xem xét tình trạng và hướng dẫn can thiệp phù hợp.
6. Phụ nữ mang thai có nhất thiết phải làm xét nghiệm NIPT không?
Khi mang thai có cần làm xét nghiệm NIPT không hay chỉ khi chỉ định mới làm? Nên làm xét nghiệm lúc 9 tuần hay phải chờ đến 12 tuần? Và tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có làm xét nghiệm này không? Trước khi làm xét nghiệm có nhịn ăn không? Xét nghiệm bao lâu có kết quả? (Khán giả Quyền Trịnh Công gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKI Trần Lâm Khoa: NIPT là một trong những xét nghiệm tầm soát bất thường số lượng NST. Hiện nay có rất nhiều xét nghiệm cho mẹ bầu như Double Test, Triple Test. Theo các khuyến cáo gần đây, NIPT không phải là xét nghiệm đầu tay cho các thai phụ để tầm soát bất thường số lượng NST. Chúng tôi sẽ tư vấn cho thai phụ lựa chọn những xét nghiệm khác phù hợp hơn.
Khuyến cáo chung là nên làm siêu âm hình thái học quý 1 rồi mới làm những xét nghiệm khác nếu cần thiết. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có thực hiện xét nghiệm NIPT, thời gian có kết quả là từ 10 ngày đến 2 tuần. Thai phụ không cần nhịn ăn, tuy nhiên sẽ cần lấy một lượng máu khá lớn là khoảng 10ml.
7. Tầm soát phôi thai có giúp phát hiện đột biến gen không?
Hiện tại em có 2 bé, một bé sinh năm 2017 và một bé sinh năm 2020, cả 2 bé đều là mang thai tự nhiên. Bé đầu của em bình thường, nhưng bé thứ hai lại bị đột biến gen TNNI3 gây bệnh cơ tim hạn chế. Bây giờ em muốn sinh thêm một bé nữa thì có thể tầm soát phôi thai để phát hiện đột biến gen không? (Khán giả Nguyễn Thị Hồng Trang gửi câu hỏi về chương trình)
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến: Trước tiên chúng tôi cần xác định bất thường di truyền hiện có là đột biến mới hay di truyền từ bố hoặc mẹ. Do đó, vợ chồng bạn nên đến gặp bác sĩ tiền sản hoặc bác sĩ di truyền học để được đánh giá, lập cây phả hệ xem xét có di truyền nào từ bố mẹ hay không.
Trường hợp bố mẹ mang đột biến gen này, chúng tôi cần hội chẩn liên kết với trung tâm di truyền để xem xét có thực hiện kỹ thuật PGT-M hay không. Nguyên tắc thực hiện là lấy máu của bố mẹ, của em bé đi kiểm tra. Rất mong vợ chồng bạn sắp xếp thăm khám sớm.
8. Bé 2 tháng rưỡi có làm xét nghiệm kiểm tra bộ gen được không?
Lúc mang thai em có nguy cơ cao 47XYY nhưng em không chọc ối, chờ sinh bé rồi mới xét nghiệm. Hiện tại bé đã 2 tháng rưỡi thì có xét nghiệm được chưa? (Khán giả Mỹ Anh gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh: NIPT chỉ là xét nghiệm tầm soát, không phải là kết luận chẩn đoán. Thông thường ngay sau khi sinh cần cho bé làm xét nghiệm. Hiện tại bé đã 2 tháng rưỡi cần thực hiện kiểm tra sớm, bác sĩ sẽ lấy máu để kiểm tra bộ gen của bé.
9. Xét nghiệm AFP 3.64 nguy cơ dị tật ống thần kinh có can thiệp được không?
Vợ em mang thai được hơn 7 tháng, vừa rồi đi khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé thì xét nghiệm AFP 3.64, bác sĩ nói bé có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh mức 75%. Làm thế nào để bé sinh ra khỏe mạnh và an toàn, mong bác sĩ hướng dẫn. (Khán giả Đức Hiếu gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Thông thường AFP là xét nghiệm tầm soát bất thường số lượng NST, thường thực hiện ở tuần thứ 14-21 thai kỳ, nhưng vào tuần 16-20 sẽ là khoảng thời gian cho kết quả chính xác nhất.
AFP > 2.5 được gọi là trung vị, nguy cơ cao mắc phải dị tật ống thần kinh. Có nhiều cách giúp tầm soát và chẩn đoán chính xác nguy cơ dị tật như siêu âm có thể thấy toàn bộ ống thần kinh bao gồm não và tủy sống, xem tình trạng nứt đốt sống hở. Tuy nhiên siêu âm không thể thấy tình trạng nứt đốt sống kín, phần nứt quay vào ổ bụng… Vì thế những trường hợp này rất khó chẩn đoán trước sinh, cần thực hiện chọc ối và đo AFP trong nước ối.
Không biết hiện tại bạn đã làm siêu âm hình thái học quý 2 chưa. Nếu chưa mời vợ chồng bạn mang tất cả hồ sơ thăm khám cũ đến Trung tâm Sản Phụ khoa để được tư vấn.
10. Đã làm sàng lọc phôi có cần tầm soát dị tật thai nhi nữa không?
Vợ chồng em làm IVF, do cả 2 vợ chồng đều có gen Thalassemia nên có thực hiện sàng lọc phôi. Em đã chuyển phôi và đậu được 6 tuần. Bác sĩ cho em hỏi nếu đã làm sàng lọc phôi thì thai kỳ có cần làm xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi nữa không? (Khán giả Trịnh Thùy gửi câu hỏi về chương trình)
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến: Có nhiều dị tật cần được sàng lọc trong suốt thai kỳ. Việc sàng lọc phôi giúp vợ chồng bạn loại trừ được vấn đề trước khi mang thai. Do vậy, sau khi mang thai với phôi thai bình thường đã được sàng lọc, vợ chồng bạn vẫn nên thăm khám thai kỳ đầy đủ và thực hiện tất cả những sàng lọc dị tật bẩm sinh khác theo từng mốc thai kỳ quan trọng được bác sĩ Sản khoa khuyến cáo để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
11. Trẻ sơ sinh bị Thalassemia có ảnh hưởng gì không?
Bé nhà em sau khi sinh có làm xét nghiệm sàng lọc sau sinh gói 73 bệnh, tất cả các chỉ số xét nghiệm đều bình thường, tuy nhiên có một xét nghiệm bổ sung liên quan đến Hemoglobin cho thấy có nguy cơ thấp Thalassemia và các biến thể Hemoglobin. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có ảnh hưởng gì đến sự phát triển sau này của bé không?
Ngoài ra bé nhà em có bị tình trạng vàng da nhưng đã được chiếu đèn. Xin bác sĩ hướng dẫn cách phòng ngừa sau này. (Khán giả Nguyễn Hùng gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh: Nhóm bệnh lý bất thường về Hemoglobin – thành phần tạo ra màu đỏ trong máu khá phổ biến tại Việt Nam. Trẻ sơ sinh nguy cơ thấp Thalassemia hầu như không ảnh hưởng gì, chỉ có trẻ mắc thể nặng mới ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.
Thông thường bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau 6 tháng để kiểm tra tình trạng điện di Hemoglobin, xét nghiệm gen… Trường hợp bé mắc thể nặng sẽ có triệu chứng khởi phát sớm lúc 2-3 tháng chứ không đợi đến 6 tháng, trẻ sẽ có các triệu chứng như da niêm tái nhợt, cần thăm khám ngay. Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ có định hướng và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Để những lần mang thai và sinh con về sau được khỏe mạnh và an toàn hơn, tốt nhất 2 vợ chồng nên thăm khám tiền sản hoặc di truyền học để được bác sĩ tầm soát và dự phòng nguy cơ hiệu quả hơn.
12. NIPT có nguy cơ cao NST số 21 thì còn hy vọng không?
Kết quả sàng lọc NIPT của em là nguy cơ cao với NST số 21. Lúc 12 tuần đo độ mờ da gáy là 3mm. Giờ em đang chờ đến ngày chọc ối, mỗi ngày trôi qua đối với em dài như một thế kỷ rất mệt mỏi. Dẫu biết chỉ còn 0.01% hy vọng nhưng xin bác sĩ cho em lời khuyên để em chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những vấn đề ở lần chọc ối sắp tới. Cảm ơn bác sĩ. (Khán giả Phan Thùy Vân gửi câu hỏi đến chương trình)
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Xin chia sẻ với tình trạng bạn gặp phải. Lúc siêu âm đo độ mờ da gáy thời điểm 12 tuần là 3mm chúng ta đã có thể thực hiện luôn xét nghiệm xâm lấn là sinh thiết gai nhau.
Sinh thiết gai nhau và chọc ối có những ưu nhược điểm nhất định. Đây là những xét nghiệm xâm lấn và có thể chẩn đoán được em bé có bị dị tật hay không. Trường hợp bạn xét nghiệm NIPT có kết quả nguy cơ cao với Trisomy 21 vẫn có trường hợp bé không hề bị dị tật. Do đó, bạn nên bình tĩnh và thăm khám tiếp theo lịch hẹn của bác sĩ.
Hiện tại, nếu thai kỳ của bạn vẫn còn trước 14 tuần xin mời bạn đến làm sinh thiết gai nhau. Nếu muộn hơn, vào thời điểm thai nhi 16 tuần bạn nên thăm khám để được kiểm tra hình thái học sớm và chọc ối. Mong bạn vững tin để đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để chăm sóc thai kỳ cho bạn.
GHV KSOL là nghiên cứu khoa học đột phá với phức hệ Nano Extra XFGC trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, giảm nguy cơ mắc ung bướu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sản phẩm dùng cho người đang và sau quá trình điều trị hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, phục hồi thể trạng.
Comments are closed.