Phương pháp mới giúp tầm soát bệnh vú hiệu quả
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ chẩn đoán với sự ra đời của các phương tiện tầm soát hiện đại như siêu âm vi mạch, chụp nhũ ảnh 3D, cộng hưởng từ… giúp phát hiện chính xác tế bào bất thường ở giai đoạn sớm, từ đó phòng ngừa và điều trị bệnh vú, đặc biệt là ung thư vú hiệu quả, giảm xâm lấn, bảo tồn tuyến vú tối đa.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Bệnh lý tuyến vú: Tầm soát sớm – Điều trị hiệu quả” do Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức mới đây đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem của khán giả gần xa. Các thắc mắc về độ tuổi, đối tượng, phương pháp tầm soát & điều trị bệnh vú hiện nay…đã được 4 chuyên gia đầu ngành giải đáp:
- BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM)
- BS Vũ Hữu Khiêm (Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội)
- CKII Lê Hồng Cúc (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM)
- CKII Lê Nguyệt Minh (Trung Tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội)
Thời điểm lý tưởng để tầm soát bệnh lý tuyến vú
Rất nhiều khán giả thắc mắc về việc tầm soát các bệnh lý tuyến vú, nhất là ung thư vú nên thực hiện ở độ tuổi nào là lý tưởng nhất. Đối với câu hỏi này, BS.CKII Lê Nguyệt Minh cho hay, theo các khuyến cáo của chuyên gia Mỹ, Anh, phụ nữ nên tầm soát ung thư vú từ những năm 40 tuổi.
Tuy nhiên, độ tuổi mắc ung thư vú ở các châu lục cũng có sự khác nhau. Ví dụ, độ tuổi trung bình của phụ nữ Châu Á mắc ung thư vú là khoảng 50 tuổi, trong khi phụ nữ Châu Âu là 62 tuổi. Điều này có nghĩa là phụ nữ Châu Á có khuynh hướng mắc K vú sớm hơn, thế nên cần tầm soát bệnh vú sớm hơn tức là trước 40 tuổi.
Về vấn đề này, TS.BS Vũ Hữu Khiêm nhấn mạnh thêm, giống như các bệnh lý khác, khám định kỳ vô cùng quan trọng, góp phần điều trị bệnh vú hiệu quả hơn. Việc tầm soát, thăm khám vú định kỳ không nên đợi đến khi sờ thấy cục u, chảy máu đầu vú… mới thực hiện vì lúc này bệnh đã ở giai đoạn khá muộn. Những phụ nữ trên 40 tuổi nên tiến hành khám định kỳ tuyến vú 1 năm 1 lần. Những đối tượng nguy cơ cao thì cần tăng tần suất khám lên nhiều hơn, có thể là 6 tháng khám 1 lần.
Đối tượng nào nên tầm soát tuyến vú?
Từ thực tế thăm khám và điều trị nhiều năm, ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang nhận định, hiểu biết của chị em phụ nữ hiện nay về bệnh lý tuyến vú chưa cao, bao gồm cả việc thăm khám, tầm soát bệnh. Vậy nên, nhiều người vẫn băn khoăn không biết mình có cần đi tầm soát ung thư vú hay không.
Để trăn trở này không là rào cản chị em khi đưa ra quyết định kiểm tra, tầm soát bệnh vú, TS.BS Vũ Hữu Khiêm khẳng định, tất cả chị em phụ nữ từ 40 tuổi đều nên đi tầm soát bệnh lý tuyến vú 1 năm/1 lần. Riêng những trường hợp có nguy cơ cao nên thăm khám và tầm soát 6 tháng/1 lần.
Theo tiến sĩ Hữu Khiêm, đối tượng nguy cơ cao là những chị em có bà, mẹ, dì, em gái bị K vú, hoặc nhiều người trong gia đình mắc các bệnh lý ung thư khác, chẳng hạn ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, người có tiền sử bản thân như kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, không sinh con, không cho con bú, chiếu xạ ở vùng ngực, béo phì, lạm dụng thuốc nội tiết, uống rượu bia quá nhiều… cũng là những đối tượng có nguy cơ ung thư vú cao.
Đặc biệt, chị em mang gen gây ung thư vú là BRCA1, BRCA2 và TP53 cần tầm soát càng sớm càng tốt. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra:
- Người mang gen BRCA1 có nguy cơ ung thư vú trên 60% trong cả quãng đời.
- Người mang gen BRCA2 có nguy cơ ung thư vú khoảng 45% trong cả quãng đời.
- Người mang đồng thời cả 2 gen trên thì có nguy cơ ung thư vú rất cao, trên 80%.
Chính vì vậy, chị em nên đến bệnh viện thăm khám sức khỏe toàn diện định kỳ, từ đó đánh giá chính xác nguy cơ mắc u vú, nâng cao chất lượng sống. Nếu không may mắc bệnh, việc phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo thẩm mỹ tuyến vú cho chị em.
Những kỹ thuật tầm soát bệnh vú phổ biến hiện nay
Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế đã mang đến những phương tiện tầm soát bệnh lý vú tiên tiến, cho kết quả chẩn đoán nhanh chóng và chính xác. Để giúp tất cả khán giả theo dõi chương trình hiểu hơn về bản chất của các phương pháp tầm soát bệnh vú đang được áp dụng ở thời điểm hiện tại cũng như những ưu điểm cụ thể của mỗi phương tiện, BS.CKII Lê Hồng Cúc đã có những phân tích chi tiết về 3 phương tiện được sử dụng phổ biến nhất (siêu âm, nhũ ảnh và cộng hưởng từ):
1. Siêu âm
Siêu âm được coi là phương tiện đầu tay, giúp phát hiện nhiều trường hợp ung thư, trong đó có cả những chị em không hề có dấu hiệu K vú trước khi đến siêu âm. Công nghệ siêu âm ngày càng tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán. Từ siêu âm trắng đen, nay đã có thể thêm siêu âm mạch máu, siêu âm vi mạch tức là phát hiện những mạch máu rất nhỏ. Đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ siêu âm đàn hồi – bước đột phá giúp bác sĩ xác định bất thường trên vú là nghiêng về lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra quyết định có cần làm sinh thiết trên cục u vú hay không.
2. Nhũ ảnh
Nhũ ảnh (chụp vú) là phương pháp dùng tia X để khảo sát tuyến vú. Trước đây, khi áp dụng nhũ ảnh 2D, tất cả các điểm ảnh chồng lên nhau trong một phim duy nhất, khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc xác định sang thương. Đến nay, khi nhũ ảnh 3D ra đời cho phép bác sĩ quan sát và khảo sát tuyến vú chi tiết thông qua 40-60 hình ảnh khác nhau. Trong trường hợp bệnh nhân không thể chụp cộng hưởng từ, bác sĩ có thể kết hợp phương pháp nhũ ảnh với bơm thuốc tương phản để kiểm tra vú có sang thương hay không.
3. Cộng hưởng từ
Không ứng dụng phổ biến như siêu âm và nhũ ảnh, nhưng cộng hưởng từ là phương tiện không thể thiếu trong khảo sát, chẩn đoán bệnh tuyến vú. Một số trường hợp khó, dù đã làm siêu âm và nhũ ảnh nhưng chưa xác định được bản chất của sang thương vú là gì thì cộng hưởng từ sẽ giúp bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán sang thương vú nghiêng về lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp.
Như vậy, nhũ ảnh là công cụ tầm soát ung thư vú chính xác và hiệu quả nhất, giúp nâng cao tỷ lệ sống cho chị em phụ nữ. Siêu âm là công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong khảo sát hình ảnh vú tiếp theo sau nhũ ảnh. Riêng cộng hưởng từ sẽ được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp cụ thể.
Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, nhũ ảnh được đưa lên hàng đầu trong tầm soát bệnh lý tuyến vú và siêu âm là bước hỗ trợ tiếp theo. Trong khi đó, đối với những người trẻ (từ 20-30 tuổi), nguy cơ ung thư thấp, nếu muốn tầm soát chỉ cần làm siêu âm là đủ, không cần thiết làm nhũ ảnh, bác sĩ Hồng Cúc lưu ý.
Xoay quanh chủ đề tầm soát bệnh lý tuyến vú, khán giả còn đặt ra rất nhiều câu hỏi thú vị, tiêu biểu như đặt túi ngực thẩm mỹ có tiến hành tầm soát ung thư vú được không; chọc hút tế bào để sinh thiết có đau không… Những lo lắng này của khán giả cũng được BS.CKII Lê Nguyệt Minh giải đáp như sau:
- Thứ nhất, việc đặt túi ngực không gây bất kỳ trở ngại nào cho phương pháp siêu âm. Tuy nhiên, để biết chắc chắn có thể thực hiện chụp nhũ ảnh hay không, kỹ thuật viên sẽ phải đánh giá mức độ đàn hồi của da mới đưa ra được kết luận cuối cùng.
- Thứ hai, đau là cảm giác rất chủ quan của mỗi người, nhưng chị em hãy yên tâm, chọc kim nhỏ chỉ gây ra cảm giác như muỗi cắn hay kiến cắn, rất nhẹ nhàng nên ai cũng có thể chịu đựng được.
Trong thời lượng gần 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài cung cấp những thông tin liên quan đến tầm soát bệnh vú, các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh còn giải đáp hàng loạt thắc mắc về phác đồ điều trị bệnh lý tuyến vú. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.
Khớp Tây Bác làm trơn ổ khớp & hạn chế lão hóa khớp, giảm triệu chứng đau khớp, khô khớp, cứng khớp, khó vận động do viêm & thoái hóa khớp. Coastline Carephân phối sản phẩm chính hãng và giao hàng tận nơi trên toàn quốc.
Comments are closed.