Mở thông “thượng nguồn mạch máu” cứu bệnh nhân thiếu máu cơ tim nặng
Bệnh nhân bị tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu tim, thiếu máu cơ tim 12 vùng, được bác sĩ đặt stent kích thước lớn tái thông dòng máu nuôi tim kịp thời.
Trung (50 tuổi, An Giang) được đặt một stent 4.0×40 mm và nong lên kích thước 4.5mm tái thông dòng máu nuôi tim kịp thời, phòng ngừa tái hẹp. Sau 2 ngày thực hiện thủ thuật, ông được xuất viện về nhà. Hiện tình trạng tim mạch đã ổn định, ông tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập của bệnh nhân tim mạch và được các bác sĩ theo dõi từ xa.
Trước đó, ông Trung bị đau ngực khi leo cầu thang. Cơn đau kéo dài ba đến năm phút và chỉ giảm khi ông đứng lại nghỉ ngơi. Ông đến khám tại Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ông có tiền căn tăng huyết áp phát hiện một năm trước, hút thuốc lá, mỗi ngày một gói. Chỉ số huyết áp tâm thu 140-150mmHg, kiểm soát không tốt. Qua đo điện tâm đồ, siêu âm tim doppler tim mạch, siêu âm tim gắng sức dobutamin và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện ông bị tắc hoàn toàn đoạn gần nhánh động mạch liên thất trước (LAD) dẫn đến thiếu máu cơ tim 12 vùng trên siêu âm dobutamin. Tình trạng nguy cấp, bệnh nhân có nguy cơ suy tim và tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời.
ThS.BS Võ Anh Minh – Trưởng đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết, tắc hoàn toàn một đoạn động mạch gần nhánh động mạch liên thất trước (LAD) là một tình trạng tương đối hiếm gặp. Thông thường các triệu chứng sẽ biểu hiện nặng và dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm ngay khi động mạch bị tắc nghẽn. Ông Trung là một trường hợp may mắn vì chỉ bị đau ngực và đã đến bệnh viện kịp thời. Tuy vậy, nếu không có chẩn đoán chính xác và can thiệp mạch ngay thì mọi chuyện rất khó lường.
Theo bác sĩ Anh Minh, do tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn một đoạn động mạch gần LAD khiến lưu lượng máu cung cấp cho trái tim giảm đáng kể cho nên việc đặt stent rất quan trọng và đồng thời kỹ thuật đặt stent phải đạt tối ưu để hạn chế tái hẹp về sau. Do đó, ekip bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch phối hợp quyết định đặt một stent với kích thước lớn 4.0×40 mm, nong lên đến đường kính 4.5mm để giảm thiểu khả năng tái hẹp. Nhờ công nghệ siêu âm trong lòng mạch (IVUS) hiện đại, cho hình ảnh đa chiều, chính xác nên quá trình can thiệp động mạch diễn ra thuận lợi và thành công.
Ưu điểm của kỹ thuật này là tái thông mạch máu cho bệnh nhân nhanh chóng, phòng ngừa tái hẹp vì vậy tránh được nguy cơ phải phẫu thuật về sau. Đồng thời, thủ thuật này cũng giúp phòng ngừa biến chứng gây thủng mạch máu do được siêu âm trong lòng mạch (IVUS) hướng dẫn vị trí đặt stent, chọn kích cỡ stent và kích cỡ nong bóng tối ưu nhất. Nhưng quan trọng nhất là công nghệ IVUS trực tiếp hướng dẫn nên mọi thao tác của bác sĩ đều chính xác, nhanh chóng, hạn chế lượng cản quang và tia X cho bệnh nhân.
“So với thủ thuật can thiệp từ hướng động mạch đùi khiến bệnh nhân phải nằm bất động 24h giờ mới có thể đi lại, thủ thuật can thiệp động mạch quay ở cổ tay ít xâm lấn, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau can thiệp và xuất viện sớm sau 1-2 ngày. Điều này giúp giảm chi phí nằm viện, bệnh nhân mau hồi phục, sớm về nhà”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Động mạch vành trái có vai trò cung cấp máu cho 2/3 quả tim. Động mạch vành trái chia ra hai nhánh đó là động mạch liên thất trước (LAD, nhánh chính) và động mạch mũ (LCx, nhánh phụ). Động mạch LAD và các nhánh của nó cấp máu cho hầu hết vách liên thất; thành trước, bên và mỏm của tâm thất trái, hầu hết các bó nhánh dẫn truyền điện phải và trái, và cơ nhú trước của van hai lá (tâm thất trái). Nó cũng cung cấp tuần hoàn bàng hệ cho phần trước của tâm thất phải, phần sau của vách liên thất và động mạch xuống sau. Do đó, tắc nghẽn động mạch này có thể dẫn đến suy tim hoặc nhồi máu cơ tim và tử vong nhanh chóng.
Các biểu hiện của tắc nghẽn bệnh mạch vành rất đa dạng, có thể diễn ra đột ngột hoặc chậm rãi theo thời gian. Đặc biệt, nhiều triệu chứng có thể giống với dấu hiệu của các bệnh lý khác như đau vùng thượng vị, khó thở, mệt mỏi… Vì vậy, người bệnh khó phát hiện hoặc chủ quan bỏ qua không đến bệnh viện thăm khám, điều trị dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng như suy tim, nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Điều trị sớm cũng giúp giảm thời gian nằm viện và hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, từ độ tuổi 50, những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá nhiều, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch… nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 2 lần/năm, và thực hiện kiểm tra tim mạch chuyên sâu điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp mạch vành… khi có lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa.
Comments are closed.