Bệnh nhân tiểu đường hay ăn ngọt rơi vào hôn mê
Bà N.T.N. 65 tuổi bị tiểu đường, biến chứng suy thận mạn giai đoạn 4. Khi có chuyện buồn, bà uống 2-3 ly cà phê nhiều đường, ăn bánh kẹo ngọt. Bà hôn mê, nhập viện đối diện nguy cơ tử vong.
BS.CKI Đặng Thị Oanh, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhận định: “Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đối diện nguy cơ tử vong rất cao, may mắn nhập viện kịp thời”. Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe bà ổn định, được xuất viện và tiếp tục chạy thận định kỳ mỗi tuần 3 lần.
Bỗng ngã khuỵu xuống sàn
Trước đó vào sáng 20/12, bà N. thức dậy, bước xuống giường đi tiểu liền ngã khụy xuống sàn nhà. Bà lơ mơ, rơi vào hôn mê và được đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Đang trong tua trực, bác sĩ Oanh liền chỉ định xét nghiệm đường huyết, siêu âm bụng, chụp X-quang, chụp CT. Kết quả ghi nhận não bộ không tổn thương nhưng các chỉ số liên quan thận, tim, huyết áp… tăng đồng loạt. Cụ thể, đường huyết tăng 535mg/dl (bình thường trước khi ăn dao động từ 90 – 130mg/dl và sau khi ăn là 180mg/dl), chỉ số creatinin phản ánh chức năng thận đến 524 mmol/l (bình thường 45-84 mmol/l), huyết áp tăng 238/107 mmHg (bình thường 120/80mmHg). Riêng nồng độ kali tăng 6.65 mmol/l (bình thường 3.5-5.1 mmol/l), người bệnh đối diện nguy cơ rung thất dẫn đến ngưng tim, tử vong bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Oanh nhận định người bệnh rơi vào đợt cấp bệnh thận mạn giai đoạn 4, tăng kali máu nặng, tăng huyết áp trên nền tiểu đường.
Trước tình huống nguy kịch, bác sĩ Oanh chỉ định dùng thuốc điều trị hạ kali, natri bicarbonat lợi tiểu, truyền insulin, phun khí dung. Sau 2 tiếng, các chỉ số báo động đều giảm dần về mức ổn định. Khi chỉ số kali về gần ngưỡng bình thường, còn 5.4 mmol/l, người bệnh được chuyển đến Trung tâm Tiết niệu Thận học để lọc máu và tiếp tục chạy thận định kỳ.
Tỉnh dậy trên giường bệnh, bà N. ngạc nhiên hỏi con gái: “Sao mẹ lại ở bệnh viện hả con?”. Nghe người nhà giải thích, bà hối tiếc vì ăn uống đồ ngọt liên tục khiến đường huyết tăng cao, dẫn đến hôn mê, ảnh hưởng huyết áp, tim mạch…
Giảm đường, giảm bệnh
“Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường. 50% trường hợp trước đó không biết bản thân bị bệnh”, bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.
Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy cho biết, bệnh tiểu đường có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm, sau ung thư và tim mạch.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 do lối sống không lành mạnh như chế độ ăn nhiều cơm nhưng ít rau, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nước ngọt, ít tập thể dục… Chính thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột góp phần làm tăng cân, tăng chất béo, dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy người dùng đồ uống có đường (nước ngọt, nước ép trái cây) trong 4 năm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn người uống nước lọc đến 16%. (1)
Nếu người bệnh không biết mình bị tiểu đường để điều trị, không kiểm soát đường huyết; đặc biệt chế độ ăn nhiều đường, ít rau xanh… dễ rơi vào biến chứng cấp tính: nhiễm toan ceton (tình trạng máu chứa nhiều axit), tăng áp lực thẩm thấu máu. Về lâu dài, người bệnh đối diện nguy cơ cắt bỏ chân, đột quỵ, suy thận, xuất huyết võng mạc, mù lòa.
Dịp Tết với đa dạng thực phẩm cùng nhiều loại bánh kẹo, trái cây, nhiều đồ ăn chiên xào dầu mỡ, cùng với “cám dỗ” nước ngọt, bia rượu, thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc và cả stress… là thách thức không nhỏ với bệnh nhân tiểu đường.
Để người bệnh tiểu đường có chế độ ăn uống phù hợp, kiểm soát tốt đường huyết, đảm bảo sức khỏe những ngày sắp Tết, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp báo điện tử VnExpress tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Vui Tết không tăng đường huyết – Bí quyết cho người đái tháo đường”, phát sóng lúc 20h ngày 4/1/2023 trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Mời độc giả đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.
Comments are closed.