5 ca bệnh được cứu sống ngoạn mục năm 2022
Năm 2022, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cấp cứu cho khoảng 15.000 người. Nhiều ca bệnh hồi sinh ngoạn mục nhờ thiết bị y tế hiện đại, êkíp bác sĩ giàu kinh nghiệm, chinh chiến nhiều năm trong lĩnh vực cấp cứu.
#1. 60 giây chạy đua cứu sống bệnh nhân Singapore sùi bọt mép
23h30 ngày 19/11/2022, đang trên máy bay từ Hàn Quốc trở về Singapore sau chuyến du lịch dài ngày, ông Toh Gae 48 tuổi, sùi bọt mép, khó thở. Máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống TP.HCM đưa người bệnh vào BVĐK Tâm Anh. Trên băng ca, bệnh nhân Toh Gae có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp, rung nhĩ, suy thận mạn lọc máu định kỳ… đang sùi bọt mép, suy hô hấp, ho đàm bọt hồng và nhiều vết bầm. Bác sĩ tiên lượng, chỉ chậm 1 phút , bệnh nhân chắc chắn tử vong.
Trên màn hình máy monitor 10 thông số giãn gần như thành một đường thẳng, nhịp tim chỉ 30 – 40 lần/phút. Nhanh trí, BS.CKI Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Cấp cứu nỗ lực sốc điện khi phát hiện rung thất, nhịp tim bắt đầu đập lại bình thường trên 60 lần/phút. Người bệnh thoát chết trong 60 giây. Tuy nhiên, nếu không điều trị nguyên nhân tăng kali máu, bệnh nhân sẽ tiếp tục ngưng tim trở lại.
Đúng như nhận định của BS Giang và BS Nguyên, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số kali trong máu người bệnh tăng đến 8.4 mEq/l (bình thường 3,5 -5 mEq/l), chỉ cần từ 5.5 – 6.0 đã nguy cơ ngưng tim. Đồng thời, chỉ số xét nghiệm đánh giá khả năng đông cầm máu cao gấp 10 lần bình thường (INR ổn định từ 0.8 – 1.2). Điều này cho thấy nguy cơ chảy máu trong thủ thuật hay chảy máu tự nhiên, khả năng tử vong và biến chứng cao.
Để kéo bệnh nhân khỏi “cửa tử”, BS Giang đưa ra phương án tiêm canxi để giải cứu người bệnh. Cùng lúc, người bệnh được truyền 50 đơn vị insulin vô chai dịch glucose 30% để truyền liên tiếp và phun khí dung với thuốc kích thích beta 2, kích hoạt ngay “biệt đội thận nhân tạo” để lọc máu…
Sau khi tiêm 1-2 ống canxi, ông Gae không có dấu hiệu diễn tiến khả quan. Trước tình huống không có người nhà bên cạnh, vì tính mạng người bệnh và cả bản lĩnh nhiều năm chinh chiến trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, từng điều trị cho nhiều ca tăng kali đe dọa ngưng tim nặng, BS Giang giữ vững phương án: “Tiếp tục tiêm canxi đến khi nhịp tim cải thiện”.
Đến ống canxi thứ 10, nhịp tim người bệnh cải thiện, đập 60 lần/phút. Ngay lập tức, người bệnh được chuyển đến khoa ICU được khởi động sẵn máy chạy thận, lọc máu. Sau khi chạy thận, huyết áp, nhịp tim ổn định, đủ sức khỏe bay về Singapore.
2#. 3 “phút vàng” cứu bệnh nhân suy hô hấp nặng do thuyên tắc phổi
10h30 sáng 7/11/2022, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận ông D. 59 tuổi, chuyển từ một bệnh viện Campuchia về trong tình trạng khó thở, vã mồ hồi, nét mặt tái xanh, huyết áp 90/70mmHg, chỉ số SpO2 (mức độ bão hòa oxy trong máu động mạch) giảm còn 89% (bình thường 95% – 100%), mạch nhanh 135 lần/phút, có khả năng suy hô hấp nặng, nguy kịch tính mạng.
Nghi ngờ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi, BS.CKI Đoàn Quốc Anh chỉ định chụp CT-scan. Kết quả ghi nhận ông D. bị thuyên tắc phổi do huyết khối cấp dẫn đến tắc gần hoàn toàn động mạch phổi phải, động mạch phổi trái và các nhánh động mạch phổi 2 bên.
Nhanh chóng, người bệnh được dùng thuốc kháng đông và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (ICU) để tiếp tục điều trị. Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch – Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đánh giá bệnh nhân đã suy hô hấp tuần hoàn, nếu không can thiệp bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết, ông D. sẽ tử vong. Ngay lập tức, cả ê kip trực gồm bác sĩ và điều dưỡng khởi động máy móc theo dõi, chuẩn bị thuốc và truyền thuốc tiêu sợi huyết cho ông D. Chỉ 3 phút sau, ông D. thở bình thường trở lại, nói chuyện không ngắt quãng, được giảm dần và ngưng thuốc trợ tim.
Bác sĩ Huy cho biết, thuốc tiêu sợi huyết chỉ được cấp phép dùng ở một số cơ sở y tế đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị. Sau khi tiêm thuốc, ông D. được theo dõi sát tình trạng sức khỏe tại phòng hồi sức, đồng thời các bác sĩ cũng chuẩn bị phương án dự phòng khi có biến chứng xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não xảy ra sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết. Ứng dụng phác đồ theo dõi chuẩn, sau 24 giờ, bệnh nhân không xuất hiện biến chứng và tiếp tục được điều trị tại Trung tâm Tim mạch.
Nhờ được phát hiện kịp thời, đúng bệnh và phối hợp nhuần nhuyễn của êkíp bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực và tim mạch, người bệnh được cứu sống kịp thời trong gang tấc.
3#. 5 người sốc phản vệ sau ăn canh chua bạc hà
Sau khi ăn canh gà lá giang nấu bạc hà, 5 người trong cùng 1 công ty bị sốc phản vệ độ 2 với biểu hiện: ngứa lưỡi, đau họng, khó thở. sưng môi,… được đưa vào khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ CKI Đoàn Quốc Anh, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhận định các bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2 với bạc hà khiến thanh quản phù nề gây tắt nghẽn đường thở. Người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu…
Sau 3 tiếng cấp cứu, các bệnh nhân hết ngứa, giảm sưng môi, không còn khó thở. Các bệnh nhân được theo dõi tiếp trong 24 giờ, phòng trường hợp triệu chứng sốc phản vệ tái diễn, nguy hiểm đến tính mạng. Các bệnh nhân khỏe, xuất viện.
Nhờ đến bệnh viện nhanh chóng, được điều trị kịp thời nên tình trạng sốc cải thiện ngay lập tức. Nếu chần chừ nhập viện, các bệnh nhân có thể rơi vào sốc phản vệ độ 3, nguy kịch tính mạng vì đường thở bị tắt nghẽn dẫn đến ngừng hô hấp nhanh chóng.
Bác sĩ Quốc Anh khuyến cáo những người từng dị ứng, sốc phản vệ với bạc hà không nên sử dụng. Với người không biết cơ thể bị dị ứng nếu ăn bạc hà cần lưu ý các biểu hiện ngứa họng, ngứa lưỡi và đến bệnh viện kịp thời. khi sơ chế thực pẩm cần mang bao tay, rửa kỹ và lột sạch lớp vỏ xanh bên ngoài. Sau đó, cắt lát và bóp nhẹ với muối để loại bỏ chất ngứa trong bạc hà rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch, nấu chín kỹ.
4#. Uống nước ngọt giải khát, thanh niên 27 tuổi bị đái tháo đường rơi vào hôn mê
Anh N.T.T. (27 tuổi, Bình Dương) nặng 85kg, bị đái tháo đường hai năm nay, nhập viện vào khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng hôn mê do uống nhiều nước ngọt.
Bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhanh chóng truyền dịch bồi hoàn nước điện giải và truyền insulin liên tục cho bệnh nhân để điều chỉnh đường huyết. Kết quả khí máu động mạch của bệnh nhân rất thấp, độ pH chỉ 6.88. Ở người bình thường, chỉ số pH bình thường của máu nằm trong khoảng 7.35 đến 7.45, chỉ cần pH ở mức 7.00, người bệnh đã rơi vào nguy kịch tính mạng. Đồng thời, bệnh nhân T. còn nhiễm toan ceton nặng (đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh sản sinh quá nhiều axit trong máu). Những yếu tố trên cho thấy chỉ cần nhập viện trễ 60 phút, anh T. có thể tử vong.
Khi cấp cứu ổn định, người bệnh được chuyển đến khoa ICU, khoa Nội tiết tiếp tục điều trị rối loạn điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm toan máu, truyền insulin kiểm soát đường huyết và các chỉ số hiệu sinh.
Người bệnh thoát khỏi nguy kịch, không rơi vào tình trạng ngưng tim và tránh các biến chứng nguy hiểm tổn thương não, giảm chức năng thần kin… là nhờ sự nhanh trí của êkip cấp cứu, máy phân tích khí máu động mạch hiện đại có kết quả nhanh chóng, chính xác mà còn do người nhập viện kịp thời. Sau điều trị tích cực, anh T. đã hết nhiễm toan, ăn uống bình thường, được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và êkíp bác sĩ.
#5. TP.HCM: Cô gái bị sốc phản vệ do chạy bộ quá sức
?Chị Đ.T.T.T. 23 tuổi, được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm 70/40 mmHg (mức bình thường 120/80 mmHg). Bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Khương nhận định người bệnh sốc phản vệ độ 3 do cơ địa nổi mề đay khi tập thể dục quá sức khiến sưng mắt và môi, ngứa, tụt huyết áp, khó thở, tím tái.
Ngay lập tức, chị T. được tiêm adrenaline, methylprednisolone, diphenylhydramin theo phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế. Người bệnh được theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu,…
Sau hơn 2 giờ cấp cứu khẩn trương, người bệnh giảm ngứa, mắt và môi bớt sưng, hết khó thở, huyết áp về ngưỡng an toàn, mạch ổn định trở lại. Người bệnh được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để theo dõi ít nhất 24 giờ phòng trường hợp sốc phản vệ tái diễn. Hiện bệnh nhân khỏe và được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương giải thích, chị T. có tiền căn thường nổi mề đay khi tập thể dục. Nhưng lần này, người bệnh rơi vào sốc phản vệ do tập thể dục với cường độ cao. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu sớm nên bác sĩ xử trí kịp thời. Mặt khác, trước khi đến bệnh viện, người nhà biết cách sơ cứu ban đầu (đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, giữ đường thở thông thoáng) và gọi xe cứu thương giúp người bệnh không bị sốc trong lúc di chuyển.
Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm với một số yếu tố nguy cơ (có thể là thuốc, nọc động vật, trứng, hải sản, đậu phộng,…). Sốc phản vệ xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (dị nguyên). Biểu hiện sốc phản vệ đa dạng với những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau (sốc, phù mạch, nổi mề đay, khó thở, chảy nước mắt, tụt huyết áp,…). Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong.
Hiếm khi tập thể dục gây ra sốc phản vệ nhưng y văn thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp tương tự. Bác sĩ Khương khuyến cáo người dân khi tập thể dục nếu thấy ngứa, nổi mề đay phải dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị. Với người từng dị ứng, sốc phản vệ khi tập thể dục hãy hỏi bác sĩ để được kê thuốc uống chống dị ứng trước khi tập và tập ở cường độ vừa phải. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tìm ra môn thể thao phù hợp với từng bệnh nhân.
Comments are closed.