Cứu kịp thời thai phụ 29 tuổi nặng 90 ký nguy hiểm tính mạng vì tiền sản giật
Sản phụ Nguyễn Bích Thủy mang thai 35 tuần 2 ngày nhập viện cấp cứu tối 10/12 trong tình trạng chảy máu âm đạo, phù toàn thân.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chẩn đoán chị Thủy chuyển dạ đẻ lần 2, rau tiền đạo chảy máu, mắc tiểu đường thai kỳ (đường máu cao nhất 14mmol/l), chỉ số béo phì BMI = 36.6, tiền sản giật nặng. Bệnh nhân được chỉ định mổ bắt con, kết hợp điều trị nội tiết. Sau 30 phút, bé trai nặng 2.644 gram chào đời, khóc to, sinh hiệu tốt. Hiện sau phẫu thuật, sức khỏe mẹ và bé đều ổn định.
Chị Thủy kể từng sinh con đầu lòng năm 2017, tiền sử sinh non tuần 34, bé chỉ nặng 2.100 gram. Cho rằng con sinh ra nhẹ cân nên sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, mang thai lần hai, Thủy cố ăn uống, bồi bổ để cải thiện, không ngờ cân nặng lại vượt mức tiêu chuẩn. Những tháng cuối thai kỳ, chị có biểu hiện đau nhức đầu, cơ thể sưng phù nhiều hơn nhưng vẫn chủ quan không nghĩ đó là dấu hiệu của tiền sản giật.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, nhiều người lầm tưởng khi mang thai nên tăng cân càng nhiều càng tốt để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu tăng cân quá mức sẽ lợi bất cập hại.
“Khi mang thai, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi, nồng độ insulin, androgen và leptin cùng tăng. Ở phụ nữ thừa cân, béo phì, các mô mỡ chứa các yếu tố tiền viêm (adipokine) có thể làm rối loạn chức năng của hệ thống biểu mô mạch máu ở người mẹ và nhau thai, khiến mẹ và bé đều có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non…”, PGS Hinh cho biết.
Tăng huyết áp
Mẹ bầu dễ bị tăng huyết áp sau 20 tuần của thai kỳ, ngay cả khi huyết áp trước đó hoàn toàn bình thường. Trường hợp tuổi mẹ cao, thừa cân khi mang thai, nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ càng cao.
Mẹ bầu có thể không có protein dư thừa trong nước tiểu hoặc không gặp các dấu hiệu tổn thương do tăng huyết áp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tăng huyết áp có thể dẫn đến tiền sản giật trong thai kỳ, lúc chuyển dạ và sau khi sinh, gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và bé. Đối với phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp thai kỳ, nếu tần suất thai đạp hoặc chuyển động giảm đi, người mẹ có thể phải sinh sớm. Sau khi sinh, chỉ số huyết áp của sản phụ sẽ trở về trạng thái bình thường.
Tiểu đường thai kỳ
Mẹ bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai đều có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ. Lượng đường trong máu cao tăng nguy cơ sinh non, nhất là khi mẹ mắc tiểu đường trước tuần thai thứ 24. Ở phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật cũng cao gấp 4 lần người bình thường. Thông thường tình trạng này có thể tự hết sau khi sinh. Tuy nhiên, với phụ nữ béo phì có đái tháo đường khi mang thai, sau sinh nguy cơ tái mắc đái tháo đường gấp 2 lần so với người bình thường.
Tiền sản giật
Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong cho sản phụ và trẻ sơ sinh là tiền sản giật. Đây là một hội chứng đa hệ thống của thai kỳ, chiếm khoảng 3-5% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới. Trong đó, phụ nữ mang đa thai có nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp đôi so với mang đơn thai.
Tiền sản giật nặng có thể ảnh hưởng đến tim, gan, thận, phổi của mẹ bầu. Một số trường hợp mẹ bầu bị co giật (còn gọi là sản giật), ảnh hưởng đến não. Tình trạng này kéo dài còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, thiếu ối, thậm chí lưu thai.
Các dấu hiệu tiền sản giật thường xuất hiện trong khoảng ba tháng cuối thai kỳ, có trường hợp xảy ra sớm sau tuần thai thứ 20 hoặc biểu hiện sau khi sinh 48 giờ, muộn nhất là 6 tuần sau sinh. Nếu xảy ra sớm, mẹ bầu có thể sinh non, nếu quá muộn, hội chứng này có thể đe dọa tính mạng người mẹ, đặc biệt là tiền sản giật nặng. Trường hợp của chị Thủy là một trong những ca tiền sản giật nặng được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tiền sản giật cũng như cơ chế tăng nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ béo phì vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng béo phì khiến thai phụ tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kháng insulin, tăng mỡ máu và các yếu tố viêm, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai.
Ngoài ra, béo phì cũng làm tăng nguy cơ sảy thai ở những trường hợp thụ thai tự nhiên, hỗ trợ sinh sản, cũng như ở những phụ nữ có tiền sử sảy thai sớm. Thai phụ béo phì dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu sau sinh, tăng nguy cơ đông máu (huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch, tắc mạch phổi)…
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ béo phì có thể khiến bé có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh (dị tật tim, ống thần kinh); gặp chấn thương hoặc ngạt khí trong lúc sinh nếu thai quá to, mắc tiểu đường hoặc béo phì trong tương lai…
Các bác sĩ khuyên, mẹ bầu nên kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) trong lần khám thai đầu tiên ở ba tháng đầu để theo dõi cân nặng và có giải pháp đề phòng nguy cơ thừa cân trong thai kỳ. Nếu chỉ số BMI lớn hơn 23, mẹ bầu có nguy cơ cao bị thừa cân, BMI dưới 18.5 là thiếu cân và BMI trong ngưỡng 18.5 đến dưới 23 là bình thường.
Theo đó, thai phụ nên tăng cân theo mức sau: Nếu cân nặng bình thường trước khi mang thai, nên tăng 11,5-16kg. Nếu mẹ bị thiếu cân trước khi mang thai, nên tăng 12,5-18kg. Trường hợp mẹ thừa cân trước khi mang thai, nên tăng 7-11,5kg. Đặc biệt, nếu người mẹ béo phì (BMI từ 27,5 trở lên) chỉ nên tăng dưới 7kg trong thời kỳ mang thai.
Trong dịp Tết, lịch sinh hoạt và thực đơn ăn uống khác biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Do vậy, mẹ bầu nên có kế hoạch chăm sóc thai kỳ, thăm khám thường xuyên, định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường để sớm đánh giá các rủi ro và phát hiện các biến chứng.
Nhằm giúp các mẹ bầu tiếp cận các phương pháp theo dõi và chăm sóc thai kỳ an toàn, đặc biệt là quản lý thai kỳ nguy cơ cao: Thai đôi, thai ba, tiền sản giật, rau cài răng lược, rau tiền đạo…. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Mẹ tròn con vuông – Theo dõi và chăm sóc thai kỳ dịp Tết”, Chương trình diễn ra lúc 20h Thứ 3, ngày 27/12/2022, với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sản Phụ khoa tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
- PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa
- ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ Cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa
- BSNT Nguyễn Thị Hồng Nhung – Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa
Chương trình được phát sóng Trực tiếp trên Báo điện tử thanhnien.vn, vnvc.vn, nutrihome.vn và website tamanhhospital.vn. Livestream trên các fanpage: Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh niên, VNVC – Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn, Nutrihome – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Sản Phụ khoa Tâm Anh, IVF Tâm Anh; kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên.
Quý khách có thể gửi câu hỏi tại đây để được cho chuyên gia giải đáp trong chương trình.
Comments are closed.