Chữa khỏi động kinh 15 năm, giúp nam sinh trở lại giảng đường
Suốt 15 năm bị các cơn co giật của động kinh hành hạ, có lúc chán nản tưởng như bỏ cuộc, nam sinh viên được bác sĩ BVĐK Tâm Anh chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyễn Long Thành (23 tuổi, Hà Nội) kể năm 6 tuổi từng bị ngã đập đầu xuống sàn nhà. Lên 10 tuổi, trong một lần sốt cao, Thành bị co giật 2 lần, từ đó các cơn co giật tái diễn nhiều lần. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán Thành mắc bệnh động kinh, điều trị tại một số bệnh viện tâm thần nhưng bệnh vẫn dai dẳng, không khỏi hẳn. Suốt 15 năm, Thành phải duy trì dùng thuốc thường xuyên, dẫn đến men gan tăng cao, người mệt mỏi, giảm trí nhớ và tập trung, kết quả học tập bị ảnh hưởng.
Tháng 6/2020, Thành tìm đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Sau khi thăm khám, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ chỉ định người bệnh dùng phác đồ dùng thuốc kháng động kinh kết hợp xử trí tình trạng tăng men gan. Sau vài tháng, tần suất các cơn co giật bắt đầu giảm đáng kể, Thành được cắt dần thuốc và cuối cùng là dừng hẳn để theo dõi. Hiện tại sau 2.5 năm dừng thuốc, Thành cho biết không gặp bất kỳ một cơn co giật nào, trở lại hoàn thành chương trình đại học đúng như ước nguyện. Theo PGS Liệu, với kết quả này, người bệnh được coi là đã khỏi hoàn toàn bệnh động kinh.
Trước đó các bác sĩ cũng điều trị thành công cho nam bệnh nhân 26 tuổi, mắc động kinh suốt 8 năm, kháng lại hầu hết thuốc điều trị liều cao. Anh thường bị cơn co giật ban đêm nên không nhớ đầy đủ triệu chứng, điện não đồ ghi ban ngày không tìm thấy sóng động kinh, gây khó khăn khi chẩn đoán. Khi chụp cộng hưởng từ (MRI) não, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị động kinh do teo hồi hải mã 2 bên, là nguyên nhân gây kháng thuốc. Anh được điều trị với phác đồ thuốc kháng động kinh chuyên biệt, khỏi bệnh hoàn toàn sau 3 năm theo dõi.
Theo PGS Liệu, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người mắc bệnh động kinh, trong đó phần lớn là trẻ em, người già và một tỷ lệ nhất định người trẻ tuổi. Biểu hiện phổ biến nhất của động kinh là cơn co giật, có thể co cứng toàn thân hoặc tại một vài bộ phận như tay, chân, những phút vắng ý thức, không tập trung, ngẩn người… Áp lực, căng thẳng của cuộc sống hiện đại là một trong những yếu tố làm gia tăng tần suất và mức độ cơn động kinh, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh niên.
PGS Liệu cho biết với phác đồ nội khoa tiến bộ hiện nay, 70% các trường hợp động kinh có thể chữa khỏi hoàn toàn, 30% còn lại có thể điều trị ổn định, cải thiện triệu chứng và chất lượng sống. Tuy nhiên tâm lý cho rằng động kinh là bị “điên” khiến bệnh nhân thường mặc cảm, giấu bệnh không chữa hoặc bỏ dở điều trị. Nhiều người vì không thể hòa nhập với cộng đồng dẫn đến trầm cảm, bệnh chồng bệnh, điều trị rất khó khăn. Theo PGS Liệu, để điều trị hiệu quả động kinh, người nhà và bản thân người bệnh cần có cái nhìn đúng về bệnh.
“Động kinh không phải bị “điên”, vì ngoài những lúc lên cơn, người bệnh vẫn tỉnh táo. Cần coi động kinh bình đẳng với các bệnh thần kinh thông thường khác như mất ngủ, đau đầu, suy giảm trí nhớ…”, PGS Liệu nhấn mạnh.
Triệu chứng của động kinh khá giống với khởi đầu của các bệnh lý về não nói chung, do đó chẩn đoán phân biệt chính xác là yếu tố quyết định để kiểm soát bệnh. Theo PGS Liệu, chẩn đoán động kinh hiện nay căn cứ chính vào triệu chứng lâm sàng. Người nhà cần nhớ rõ thời gian, tần suất các cơn động kinh của bệnh nhân, nếu có thể nên quay video lúc bệnh nhân có cơn động kinh để bác sĩ có căn cứ đánh giá bước đầu. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định đo điện não đồ, chụp CT, MRI não tùy trường hợp để phát hiện bất thường của não bộ.
“Tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi có những quy trình chẩn đoán chuyên sâu, đi tìm đến cùng căn nguyên để khẳng định chính xác có động kinh hay không, thuộc thể động kinh nào và nguyên nhân là gì. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, tối ưu hiệu quả điều trị”, PGS Liệu phân tích.
Đối với đa phần các trường hợp động kinh, người bệnh sẽ trải qua quy trình điều trị bắt đầu với thuốc kháng động kinh, duy trì thuốc để không có cơn trong 3 năm, sau đó bước vào quy trình dừng thuốc. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân động kinh có thể được chữa khỏi mà phần lớn trường hợp không cần dùng thuốc cả đời.
Động kinh xảy ra do sự phóng điện quá mức của một nhóm tế bào thần kinh trong não, xuất phát từ một tổn thương não như chấn thương, viêm u não, hoặc không rõ nguyên nhân. Cơn động kinh đột ngột có thể gây nguy hiểm cho người bệnh khi đang lái xe, bơi lội, làm việc trên cao… Đặc biệt nếu không được điều trị, cơn xuất hiện với tần suất dày, không có khoảng tỉnh giữa các cơn sẽ gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, gọi là trạng thái động kinh, nguy cơ tử vong cao. Ở khía cạnh xã hội, người bệnh động kinh thường gặp khó khăn, thiệt thòi trong học tập, làm việc và xây dựng gia đình do các định kiến tiêu cực của cộng đồng.
Gần 40 năm gắn bó tâm huyết với lĩnh vực điều trị động kinh, PGS Liệu đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân, đưa họ từ “vùng tăm tối” ra “ánh sáng” để hòa nhập cộng đồng. Không ít bệnh nhân là học sinh, sinh viên đã thi đỗ trường Y, trở thành bác sĩ và quay trở lại điều trị cho những người bệnh giống như mình. Nhiều phụ nữ động kinh được làm mẹ, sinh con khỏe mạnh nhờ chiến lược điều trị cân bằng giữa kiểm soát động kinh và hạn chế rủi ro cho thai nhi.
Nhằm giúp người dân nhận thức đúng về bệnh động kinh và tiếp cận các phác đồ chẩn đoán, điều trị tiên tiến, BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Động kinh – Những câu hỏi lớn chưa được giải đáp”. Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 20/12, với sự tham dự của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, chuyên gia đầu ngành với hơn 40 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên thanhnien.vn và website tamanhhospital.vn. Livestream trên các fanpage: Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh Niên, VTV8 – Đài Truyền hình VN, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC – Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn; kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên, Youtube Đài THVL.
Quý khách có thể gửi câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp trong chương trình.
Comments are closed.