Chuyên gia chỉ cách phòng ngừa các bệnh phụ khoa thường gặp
Tất cả chị em phụ nữ cần yêu thương bản thân, thăm khám phụ khoa định kỳ, tầm soát bệnh phụ khoa theo hướng dẫn của chuyên gia Sản Phụ khoa để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả bệnh phụ khoa, bảo vệ sức khỏe và trọn vẹn thiên chức, đảm bảo cuộc sống chất lượng và hạnh phúc.
Thông tin trên được các chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống BVĐK Tâm Anh chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Bệnh lý phụ khoa thường gặp & các biến chứng cần điều trị” tối ngày 17/02/2023 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, số ca bệnh tăng từ 15-27% mỗi năm và phổ biến hơn ở nhóm phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục.
Nhận định thực trạng bệnh phụ khoa nước ta ngày một gia tăng, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, hiện nay với sự phát triển của y học, các phương tiện chẩn đoán bệnh hiện đại đã giúp phát hiện nhiều bệnh lý mắc phải sớm hơn, độ chính xác cao hơn so với điều kiện thiếu thốn trước đây.
“Ngoài ra, chị em phụ nữ đã biết quan tâm bản thân nhiều hơn, thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, thăm khám ngay khi có triệu chứng giúp phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả các trường hợp mắc bệnh”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Hinh cho biết thêm.
Chia sẻ về hệ thống cơ quan phụ khoa ở nữ giới, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, cơ thể nữ giới có âm hộ, cơ quan sinh dục dưới và cơ quan sinh dục trên. Bất kỳ tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan nào sẽ gây ra những bệnh cảnh tương ứng và có nhiều biện pháp tầm soát giúp phát hiện bệnh.
Ở nhóm phụ nữ trẻ cần có kế hoạch chăm sóc bản thân tốt, phòng ngừa các bệnh lý viêm nhiễm sinh dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, nấm, trùng roi… có thể ảnh hưởng đến hoạt động tình dục, chất lượng sinh sản và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Bước vào độ tuổi trung niên hoặc mãn kinh, chị em cần cảnh giác trước những nguy cơ bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, sa tạng chậu. Cần thăm khám và can thiệp ngay khi phát hiện triệu chứng để có hướng can thiệp kịp thời, tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, tầm soát bệnh phụ khoa được xem là “chìa khóa vàng” giúp chị em chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân. BS.CKI Nguyễn Huy Cường, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo tất cả chị em phụ nữ, nhất là nhóm đã có hoạt động sinh dục, từng sinh con cần khám phụ khoa định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần để tầm soát sớm, mang đến cuộc sống chất lượng và hạnh phúc hơn.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống BVĐK Tâm Anh trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
Câu hỏi tư vấn của bác sĩ trong chương trình
1. U lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung khác nhau như thế nào?
Thưa bác sĩ, u lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung khác nhau như thế nào? Thăm khám bình thường có phát hiện được không hay phải siêu âm, chụp chiếu gì ạ? (Khán giả Hồng Thanh gửi câu hỏi về chương trình)
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh: Với kinh nghiệm của tôi có thể phát hiện và phân biệt khoảng 70-80% đó là u xơ tử cung hay khối lạc nội mạc trong cơ tử cung bằng dấu hiệu khá đơn giản nhưng độ tin cậy cao là trong thời gian hành kinh bạn có bị đau bụng hay không. Thông thường, u xơ tử cung hầu như không có dấu hiệu đau bụng hoặc đau cũng là nhẹ nhàng, thoáng qua. Còn lạc nội mạc trong cơ tử cung thì đau bụng trong thời gian hành kinh là điển hình nhất, khiến người phụ nữ đau kinh khủng và buộc phải thăm khám.
Ban đầu cơn đau chỉ xuất hiện trong thời gian hành kinh, nếu không can thiệp điều trị cơn đau sẽ tăng dần mức độ và cường độ, có thể kéo dài cơn đau sau khi hành kinh. Đó là dấu hiệu lâm sàng giúp chúng ta phần biệt hai căn bệnh nói trên. Ngoài ra có nhiều phương tiện khác có thể chẩn đoán phân biệt bệnh như siêu âm, chụp cộng hưởng từ. Nhiều trường hợp chị em có cùng lúc 2 tổn thương, do đó việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn.
2. Bệnh lạc nội mạc tử cung có cần thiết phải mổ không?
Tử cung lạnh và lạc nội mạc tử có phải là một bệnh hay không? Cháu được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, mỗi lần đến kỳ kinh là đau bụng dữ dội, đặc biệt vừa rồi có kinh khi trời trở lạnh, hễ để bàn chân lạnh chút là đau bụng dữ dội hơn. Kinh nguyệt của cháu cũng tầm 42 ngày mới có 1 lần.
Xin hỏi bác sĩ có cách nào giúp giảm đau bụng kinh khi bị lạc nội mạc tử cung hay không? Bị lạc nội mạc tử cung có nhất thiết phải mổ không? Nếu mổ xong thì có điều trị gì không và có khả năng tái phát bệnh không? (Khán giả Linh Linh gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Trong y khoa không có thuật ngữ tử cung lạnh. Riêng về lạc nội mạc tử cung, đây được xem là căn bệnh lành tính có triệu chứng điển hình là đau bụng kinh, chiếm đến 90-95% các trường hợp mắc phải. Do đó, bạn nên thăm khám để được xác định tổn thương lạc nội mạc tử cung nằm ở vị trí nào, chẳng hạn trong cơ tử cung, trong buồng trứng, ở những cơ quan trực tràng hay bọng đái… để được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, độ tuổi bệnh nhân, vị trí lạc nội mạc tử cung, các triệu chứng gặp phải và nguyện vọng sinh con trong tương lai mà bác sĩ sẽ định hướng điều trị. Nếu là phụ nữ trẻ tuổi, chúng tôi khuyến khích chị em sớm mang thai và sinh đủ số con mong muốn bởi quá trình điều trị các triệu chứng do lạc nội mạc tử cung gây ra khá dài.
Về khả năng tái phát sau điều trị, hiện nay tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật lạc nội mạc tử cung khá cao. Sau 1 năm đầu tiên tỷ lệ tái phát là 25%, sau 2-3 năm tỷ lệ tái phát lên đến 50%. Vì khả năng tái phát khá cao nên cần cân nhắc phẫu thuật ở nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và chưa sinh con.
Với sự phát triển của y học hiện đại, đã có nhiều phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung bên cạnh can thiệp phẫu thuật. Chị em có thể sử dụng thuốc giảm đau để làm giảm cơn đau do lạc nội mạc gây ra. Phẫu thuật chỉ là giải pháp cuối cùng khi các biện pháp trước đó chưa mang lại hiệu quả. Rất mong gặp bạn tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống BVĐK Tâm Anh để chúng tôi được thăm khám, xác định vị trí lạc nội mạc và đồng hành cùng bạn trên chặng đường điều trị căn bệnh này.
3. Tại sao bệnh viêm nhiễm phụ khoa dễ tái phát?
Tôi hay bị viêm nhiễm ăn đạo, đi khám được hướng dẫn mua viên thuốc có màu xanh uống có khi hết khi không nên khá khó chịu. Xin hỏi bác sĩ tại sao bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay bị tái đi tái lại mặc dù tôi vệ sinh rất sạch sẽ, thậm chí sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày nhưng vẫn bị viêm nhiễm? (Khán giả Minh Hà gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKI Nguyễn Huy Cường: Viêm nhiễm âm đạo có tỷ lệ tái phát khá cao do nhiều nguyên nhân như vệ sinh chưa đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Hoặc nếu chị em sử dụng thuốc không kiểm soát, hệ khuẩn âm đạo không bình thường dễ gây viêm nhiễm âm đạo, một năm có thể viêm nhiễm âm đạo ít nhất 4 lần.
Để điều trị viêm nhiễm âm đạo cần cố gắng điều trị tình trạng viêm nhiễm âm đạo hiện tại, lặp lại hệ khuẩn âm đạo bình thường để giảm tần suất tái phát.
4. Tầm soát ung thư cổ tử cung gồm những gì?
Tôi năm nay 40 tuổi muốn hỏi kiểm tra ung thư cổ tử cung phải làm những xét nghiệm gì và chi phí kiểm tra tại BVĐK Tâm Anh là bao nhiêu? (Khán giả Lynh Ngô gửi câu hỏi về chương trình)
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh: Virus gây ung thư cổ tử cung có rất nhiều chung, hiện nay những chủng phổ biến đã có vaccine và được chỉ định tiêm chủng ở nữ giới 9-25 tuổi, ưu tiên hàng đầu là trẻ 9-15 tuổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung ở người đã tiêm ngừa và chưa tiêm ngừa vaccine là như nhau. Tại BVĐK Tâm Anh chúng tôi vẫn làm sàng lọc thường kỳ, thường là xét nghiệm tế bào PAP bằng kỹ thuật tốt nhất hiện nay, có độ chính xác và độ tin cậy cao nhất là Thinprep. Đồng thời làm cả xét nghiệm tìm HPV trong dịch cổ tử cung.
Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, chi phí cho 2 xét nghiệm này là khoảng 1.600.000 đồng. Xét nghiệm sẽ làm ngay trong lúc khám, thời gian lấy bệnh phẩm chỉ khoảng 30 giây. Sau đó bệnh phẩm được đưa về phòng xét nghiệm để phân tích, xử lý và cho kết quả sau 3-6 ngày.
Nếu kết quả Thinprep và HPV của bạn đều bình thường thì sau 5 năm bạn mới cần thực hiện xét nghiệm lại. Tuy nhiên vẫn nên thăm khám phụ khoa định kỳ.
5. Đã quan hệ tình dục có tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung được không?
Em nghe nói vaccine HPV chỉ tiêm cho người chưa quan hệ tình dục có đúng không bác sĩ? Đã quan hệ tình dục rồi có tiêm được không? (Khán giả Yến Linh gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Nếu chưa từng tiếp xúc, chưa từng quan hệ tình dục và đã tiêm ngừa ung thư cổ tử cung thì chị em sẽ được bảo vệ. Trường hợp chị em đã lập gia đình, đã quan hệ tình dục hay đã tiêm ngừa vaccine phòng 4 chủng thì vẫn nên cân nhắc tiêm vaccine mới phòng 9 chủng.
6. Kinh nguyệt chỉ diễn ra 2 ngày có bình thường không?
Em sinh năm 1981, mỗi lần đến kỳ kinh rất đau bụng phải uống thuốc giảm đau. Lượng kinh của em rất ít, chỉ khoảng 2 ngày là hết thì có bình thường không? (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKI Nguyễn Huy Cường: Rối loạn kinh nguyệt là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên môn và kiểm tra các phương tiện lâm sàng, cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân. Tình trạng số ngày hành kinh ít còn phụ thuộc vào bệnh chủ của bệnh là gì mới có câu trả lời chính xác.
Nếu tình trạng xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi, không có bệnh lý liên quan, siêu âm tử cung, buồng trứng, hai phần phụ hoàn toàn bình thường thì chưa hẳn đây là dấu hiệu bệnh lý. Đơn giản đây là vòng kinh sinh lý bình thường và ngắn ngày hơn so với mặt bằng dân số chung. Nếu quá lo lắng, bạn nên thăm khám và làm các kiểm tra cần thiết để được chuyên gia Sản Phụ khoa tư vấn rõ hơn.
7. Ung thư phụ khoa có di truyền không?
Ung thư cổ tử cung nói riêng và bệnh ung thư phụ khoa nói chung có di truyền không? (Khán giả Huyền Trần gửi câu hỏi về chương trình)
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh: Tính đến thời điểm hiện tại, khoa học chưa khẳng định rõ ràng có yếu tố di truyền trong các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung hay các ung thư phụ khoa khác như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm hộ… hay không. Tuy nhiên, nếu gia đình có người mắc bệnh ung thư phụ khoa sẽ xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ cao, cần tập trung tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm.
8. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có điều trị triệt để được không?
Gần đây tôi có đọc bài báo nói rằng bệnh giang mai đã quay trở lại và trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng. Xin hỏi bác sĩ những bệnh xã hội như giang mai thường lây qua đường nào ngoài đường quan hệ tình dục? Nếu đi khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện những bệnh xã hội này không? Hiện nay đã có cách điều trị triệt để những căn bệnh này hay chưa? Xin cảm ơn bác sĩ. (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi về chương trình)
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm có nhóm bệnh lậu, nhóm bệnh giang mai và một số bệnh liên quan đến hạ cam ở vùng sinh dục. Ngoài ra có những nhóm bệnh liên quan đến hội chứng vô sinh hiếm muộn như nhóm Claminat, Aromatic và nhóm nhiễm HIV.
Đối với nhóm bệnh giang mai, lậu, Claminat và thậm chí HIV, tính đến thời điểm hiện tại đã có phương pháp chữa khỏi. Tuy nhiên, riêng HIV vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn, không thể làm mất đi những virus HIV. Người nhiễm HIV có thể sử dụng thuốc để tải lượng virus được giảm xuống mức thấp nhất. Thậm chí có thể quan hệ mà không cần sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su. Như vậy, người bệnh không còn bi quan mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị.
Các nhóm bệnh kể trên ngoài lây nhiễm qua đường tình dục còn lây qua đường máu, chẳng hạn trong mẫu máu truyền có giang mai sẽ có thể lây cho người khác. Hoặc một số dịch tiết như tinh dịch, dịch tiết âm đạo có thể nằm trong bối cảnh lây truyền qua đường tình dục.
9. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có điều trị triệt để được không?
Em đi khám và được chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, nhiều người mách bảo nên đi phòng khám đông y để đốt hoặc đặt thuốc sẽ hiệu quả hơn. Em cũng nghe nói viêm lộ tuyến tử cung không thể điều trị triệt để được vậy có đúng không bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Huy Cường: Bản chất viêm lộ tuyến cổ tử cung là do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến cổ tử cung phì đại và tăng biểu mô tuyến, dẫn đến tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung. Nếu tình trạng viêm nặng có thể gây tiết dịch, ngứa rát âm đạo.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể khỏi hẳn nếu điều trị đúng cách và hợp lý. Thông thường viêm lộ tuyến do hiện tượng tăng cường lượng nội tiết sẽ được theo dõi. Còn viêm do vi khuẩn, virus hay các các vấn đề khác, sau khi thực hiện kiểm tra sẽ được điều trị kháng sinh, kháng viêm hoặc loại thuốc phù hợp với loại vi khuẩn đó.
Về phương pháp đốt đông y hoặc các phương pháp khác, về mặt bản chất viêm lộ tuyến hàng tháng phụ nữ sẽ có biểu mô tuyến tăng dần và biểu mô lát hẹp dần là tính chất sinh lý, như vậy không cần điều trị nếu không bị viêm. Chỉ điều trị khi viêm nặng hoặc có chỉ định từ chuyên gia Sản Phụ khoa.
GHV KSOL là nghiên cứu khoa học đột phá với phức hệ Nano Extra XFGC trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, giảm nguy cơ mắc ung bướu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sản phẩm dùng cho người đang và sau quá trình điều trị hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, phục hồi thể trạng.
Comments are closed.