Điều trị triệt để rối loạn nhịp tim cho ‘thần đồng tin học’ 19 tuổi
Dương Khôi thỉnh thoảng hồi hộp và đánh trống ngực, phát hiện nhịp tim lên đến 140-150 nhịp/phút trong một lần kiểm tra trước tiêm vắc-xin.
Dương Khôi là một chàng trai trẻ được mệnh danh là ‘thần đồng tin học’ với thành tích lập cú đúp huy chương Olympic Tin học quốc tế vào năm 2022. Theo bệnh sử, Khôi khởi phát triệu chứng cách đây 1 năm, đã tới khám tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và được chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ và điều trị thuốc, nhưng tình trạng rối loạn nhịp tim không cải thiện. Hiện tại ở Hà Nội, hệ thống y tế tư nhân duy nhất chỉ có Bệnh viện đa khoa Tâm Anh triển khai hệ thống can thiệp lập bản đồ 3 chiều giải phẫu – điện học các buồng tim, Khôi tìm đến đây với mong muốn điều trị triệt để bệnh.
Khi đo điện tim, Ths.BS Lê Mạnh Tăng nhận thấy người bệnh có nhịp xoang xen kẽ cơn nhịp nhanh nhĩ từng lúc với tần số trung bình 140 nhịp/phút. Các bác sĩ tiếp tục cho người bệnh làm Holter điện tim 24 giờ, kết quả cho thấy ngoại tâm thu nhĩ số lượng nhiều (chiếm 44.3%) và có nhiều cơn tim nhanh nhĩ. Các bác sĩ can thiệp xác định được vị trí khởi phát rối loạn nhịp rộng, là cả 1 vùng chứ không đơn thuần là 1 ổ nhỏ, triệt đốt rối loạn nhịp thông thường gần như chắc chắn thất bại.
TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) đưa ra phương pháp điều trị là triệt đốt ổ ngoại tâm thu bằng năng lượng sóng tần số radio (RF) sử dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu – điện học buồng tim.
PGS Bạch Yến giải thích trong các kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim nhanh nhĩ thì đây là phương pháp tiên tiến nhiều ưu điểm vượt trội vì có thể xác định được vị trí ổ gây rối loạn nhịp chính xác hơn so với phương pháp triệt đốt thông thường. Chính điều này sẽ giúp kỹ thuật có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với phương pháp khác, giúp điều trị triệt để bệnh lý này, chỉ khoảng 10% bệnh nhân sẽ tái phát nhanh nhĩ sau can thiệp. Đặc biệt, do vùng cơ nhĩ mỏng và dễ bị tổn thương, việc triệt đốt chính xác sẽ giảm được biến chứng, hạn chế thủng tim.
Nhờ hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ ba chiều giải phẫu – điện học buồng tim ENSITE, hình ảnh cấu trúc 3D của tâm nhĩ cùng với vị trí cơ tim gây ra ngoại tâm thu đã hiện rõ nét giúp bác sĩ triệt đốt chính xác. Sau triệt đốt nhanh nhĩ bằng năng lượng sóng tần số radio 3D, người bệnh đã chuyển hoàn toàn về nhịp xoang, tần số khoảng 80 nhịp/phút, không còn các triệu chứng hồi hộp, trống ngực.
Th.BSNT Lê Mạnh Tăng giải thích thêm về nhịp nhanh nhĩ (AT) và những biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. AT là nhịp tim nhanh đều đặn với tần số >100 nhịp mỗi phút bắt nguồn từ tâm nhĩ bên ngoài nút xoang, tỷ lệ bệnh nhân nhanh nhĩ dao động từ 0,05 – 0,5%. Một nghiên cứu cho thấy ở Châu u người trẻ tham gia tuyển phi công thì có khoảng 0,46% bị nhanh nhĩ.
Người bị nhanh nhĩ nếu không điều trị thì rối loạn huyết động là biến chứng cấp tính nặng nhất nhưng ít gặp. Khi đó cần phải sốc điện chuyển nhịp cấp cứu. Sử dụng các thuốc chuyển nhịp đường tĩnh mạch sẽ phải đối diện với tình trạng huyết động không ổn định trầm trọng hơn.
Còn thường gặp hơn đối với trường hợp huyết động ổn định, triệu chứng ít hoặc không triệu chứng như bệnh nhân Khôi. Khôi thuộc nhóm nhanh nhĩ kéo dài liên tục có thể biến chứng xuất hiện bệnh cơ tim. Ngay cả những bệnh nhân có chức năng tim bình thường khi có biểu hiện ban đầu cũng có nguy cơ phát triển bệnh cơ tim, suy tim tiến triển sau thời gian nhịp tim nhanh kéo dài.
Mặc dù thỉnh thoảng có báo cáo về việc điều trị thành công nhanh nhĩ liên tục bằng cách sử dụng thuốc nhưng nhìn chung liệu pháp dược lý nói chung không hiệu quả đối với nhanh nhĩ liên tục. Vì lý do này, nếu điều trị nội khoa bằng thuốc kiểm soát tần số và thuốc chống loạn nhịp không thành công, bệnh nhân bị nhanh nhĩ nên được triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số radio.
Kỹ thuật này không chỉ đòi hỏi hệ thống máy móc kỹ thuật hiện đại mà còn cần nhóm bác sĩ thủ thuật có kinh nghiệm. Như vậy, sẽ mang lại tỉ lệ thành công cao, biến chứng thấp vượt trội hơn triệt đốt thông thường hay dùng thuốc. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân sẽ tái phát nhanh nhĩ sau can thiệp.
Triệt đốt nhanh nhĩ bằng năng lượng sóng tần số radio sử dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu – điện học các buồng tim còn rút ngắn thời gian can thiệp và chiếu tia X, giảm tối đa các biến chứng có thể xảy ra và trở thành một bước tiến lớn trong lĩnh vực can thiệp điều trị rối loạn nhịp tim. Đây cũng là can thiệp xâm lấn tối thiểu, thời gian phục hồi, nằm viện ngắn. Người bệnh có thể ra viện 01 ngày sau khi can thiệp và quay trở lại với cuộc sống như người bình thường.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường. Bệnh gây ra cảm giác hồi hộp, đau tức ngực, khó thở, thậm chí choáng ngất…. Đây cũng là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị kịp thời. Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều dạng: Cơn tim nhanh kịch phát, rung nhĩ, nhịp nhanh thất, rung thất, bloc nhĩ thất, suy nút xoang, ngoại tâm thu …
TS.BS Trần Văn Đồng (Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh) có lưu ý thêm, hiện nay người mắc bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hoá. Hầu hết các bệnh tim mạch đều có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như hồi hộp, xây xẩm mặt mày, choáng ngất, người bệnh cần đi khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.
Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp phát hiện và điều trị rối loạn nhịp hiện đại và hiệu quả. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ngoài hệ thống Holter điện tim ghi trong 24h còn có hệ thống ghi được tới 3 ngày, 5 ngày, hệ thống không dây có thể ghi kéo dài tới 7-15 ngày. Ngoài ra, hệ thống điều trị rối loạn nhịp bằng năng lượng sóng tần số radio sử dụng hệ thống lập bản đồ 3D; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn: 1 buồng, 2 buồng, máy khử rung tự động… là những trang thiết bị và phương pháp hiện đại giúp tỷ lệ điều trị thành công cao, biến chứng thấp.
20h Thứ Ba ngày 21/2/2023, BVĐK Tâm Anh kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam và báo điện tử VnExpress tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ RỐI LOẠN NHỊP TIM”.
Chương trình có sự tham dự của 2 chuyên gia đầu ngành: TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch) và TTƯT.TS.BSCC Trần Văn Đồng (Bác sĩ cao cấp khoa Tim mạch).
Chương trình được phát sóng Trực tiếp trên Báo điện tử thanhnien.vn, website tamanhhospital.vn và vnvc.vn.
Livestream trên ứng dụng VTVgo và các fanpage: VTV24 – Trung tâm tin tức, VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh niên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC – Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn, Trung tâm Tim mạch – BVĐK Tâm Anh, Trung tâm Can thiệp Mạch – BVĐK Tâm Anh, kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên.
Mọi băn khoăn thắc mắc của quý vị liên quan đến dự phòng và phương pháp hiện đại hiệu quả điều trị rối loạn nhịp độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tại đây.
Comments are closed.