Nôn ói 12 lần trên máy bay từ Thái Lan về Việt Nam do đái tháo đường
Nghĩ đường huyết ổn định, chị H. không tái khám đái tháo đường suốt 8 năm. Chị đi du lịch 5 ngày nhưng quên mang thuốc insulin, dẫn đến nhiễm toan ceton, nôn ói liên tục trên máy bay.
Sáng 6/2, bệnh nhân N.T.M.H. (54 tuổi, Đồng Nai) cải thiện tình trạng toan ceton, hết nôn ói… nên được các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho xuất viện.
Quên tiêm thuốc, thèm ăn ngọt
Trước đó vào ngày 28/1, trên chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam, chị H. nôn ói liên tục 12 lần. Chị khát nước, khô họng nhưng khi uống vào lại ọc ra. Máy bay vừa hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xe cấp cứu của sân bay đưa chị đến ngay khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ CKI Hồ Ngọc Bảo, khoa Cấp cứu, tiếp nhận người bệnh trong tình trạng nôn ói, tiêu lỏng, người lừ đừ. Khai thác bệnh sử ghi nhận chị bị đái tháo đường (tiểu đường) 20 năm và điều trị tiêm insulin 8 năm nay nhưng kể từ khi tiêm insulin chị không đi tái khám. Dịp Tết Nguyên đán 2023, chị H. cùng con gái đi du lịch ở Thái Lan, tour 5 ngày 4 đêm nhưng không mang Insulin để tiêm. Đồng thời, chị ăn uống nhiều đồ ngọt (trà sữa, sầu riêng…).
Kết quả xét nghiệm máu ghi nhận đường huyết tăng cao 330mg/dl (bình thường trước khi ăn dao động từ 90 – 130mg/dl và sau ăn 180mg/dl). Đồng thời, chỉ số ceton máu tăng đến 12.05 (bình thường dưới 0.3), toan chuyển hóa nặng: pH máu giảm 7.05 (bình thường 7.35 – 7.45), HCO3 giảm còn 5.3 mmol/l (bình thường 22.0 – 24 mmol/l).
Bác sĩ Bảo xác định người bệnh bị nhiễm toan ceton nặng. Đây là biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường đặc trưng bởi tăng đường huyết, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa… Người bệnh được truyền dịch, điện giải và insulin. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời, chị H. có nguy cơ ngưng tim.
Khi tình trạng bệnh nhân cải thiện, người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), tiếp dục theo dõi sát, kiểm soát tình trạng nhiễm toan máu, truyền insulin… Người bệnh còn được các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường hội chẩn điều trị. Sau gần một tuần, chị H. khỏe, tươi tỉnh trở lại.
Ngồi trên giường bệnh, chị H. kể, 8 năm nay chị chuyển từ thuốc uống kiểm soát đường huyết dạng viên sang tiêm insulin mỗi ngày 3 lần theo chỉ định của bác sĩ. Thế nhưng từ khi tiêm insulin, chị thấy đường huyết ổn định nên ăn uống thoải mái hơn. Mỗi khi ăn ít, chị tiêm insuslin đúng liều lượng, còn bữa nào lỡ ăn nhiều thì tiêm nhiều hơn. 8 năm nay chị không đi tái khám vì nghĩ đường huyết đã ổn. Do đó, mỗi khi hết insulin, chị mang đơn thuốc cũ ra tiệm gần nhà mua về tiêm.
Mỗi năm, chị đi du lịch 1-2 lần và nghĩ thời gian đi du lịch ngắn ngày nên không mang theo insulin. “Mang theo thuốc insulin lỉnh kỉnh, không có tủ lạnh bảo quản nên tôi để ở nhà”, chị H. nói. Các lần đi, chị đều thấy hơi mệt, có khi nôn, tiêu chảy nhưng sau khi về nhà tiêm insulin thì hết.
Ai nên tiêm insulin?
Bác sĩ CKI. Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết chị H. bị đái tháo đường nhiều năm, đã chuyển sang tiêm insulin hàng ngày. Nhưng vừa qua, chị bỏ tiêm, đồng thời, ăn uống nhiều đồ ngọt thời gian dài khiến đường huyết tăng cao, dẫn đến nhiễm toan, nguy kịch tính mạng. Sau xuất viện, chị H. cần tái khám định kỳ, điều chỉnh chế độ ăn uống kiểm soát đường huyết, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Duy cho biết, người bệnh đái tháo đường tuýp 1 được chỉ định tiêm insulin suốt đời. Với người đái tháo đường tuýp 2 được tiêm insulin trong các trường hợp nhiễm trùng, vết thương cấp, tăng đường huyết với tăng ceton máu cấp nặng, mất cân bằng không kiểm soát, điều trị với thuốc viên không hiệu quả, đường huyết tăng cao không thể kiểm soát bằng thuốc viên… Do đó, người bệnh không thể tự ý bỏ tiêm insulin hoặc tiêm insulin không đúng liều lượng.
Có 2 dạng insulin phổ biến: 1 dạng chứa trong lọ, phải sử dụng kim tiêm; dạng 2 là bút tiêm. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, bút tiêm insulin nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng được hết hạn sử dụng ghi trên bút. Nếu đưa ra ngoài vẫn sử dụng được nhưng trong thời gian nhất định (khoảng 1 tháng). Người bệnh du lịch vẫn nên mang theo bút tiêm, khi đến nơi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Có thể mang theo các dụng cụ bảo quản lạnh: phích đá, bình giữ nhiệt… để bảo quản bút tiêm khi đi du lịch mà không làm giảm chất lượng insulin.
Người bệnh đái tháo đường phải dùng thuốc, tiêm insulin và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Không nên dùng theo đơn thuốc cũ trong suốt nhiều năm. Đặc biệt, không tự ý điều chỉnh liều thuốc, uống thuốc không do bác sĩ kê toa hoặc thuốc dân gian, các loại thảo dược… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị bệnh.
Khi khám, tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm kiểm tra đường huyết: xét nghiệm đường huyết tại chỗ, xét nghiệm HbA1c (đánh giá đường huyết trong vòng 3 tháng). Trong đó, xét nghiệm HbA1c thực hiện 3 tháng một lần và ít nhất 2 lần/năm để đánh giá kết quả điều trị hàng năm, điều chỉnh thuốc.
Ngoài ra, khi tái khám, bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và cùng với bác sĩ khoa Dinh dưỡng – Tiết chế xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập giúp người bệnh kiểm soát đường huyết, giúp sức khỏe ổn định Khám bệnh định kỳ còn tầm soát, phát hiện sớm các biến chứng đái tháo đường gây suy thận, đột quỵ, mù lòa, các bệnh về da liễu…
Truepower bổ thận, tráng dương, tăng cường khả năng sinh lý nam giới & hạn chế quá trình mãn dục sớm. Coastline Care đang phân phối hàng chính hãng và giao hàng tận nơi trên toàn quốc.
Comments are closed.