Suýt đột tử do biến chứng rối loạn mỡ máu
Người đàn ông bị rối loạn mỡ máu nhiều năm, bệnh diễn tiến âm thầm gây nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ đột tử cao nếu không can thiệp kịp thời.
Ông Đình Dũng (51 tuổi, TP. Vũng Tàu) xuất viện sau 2 ngày nhập viện cấp cứu nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM và được đặt stent nong mạch máu tim kịp thời.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, cho biết, mạch máu tim của bệnh nhân hẹp nghẽn nặng đến 95%. Trước đó, ông có đi khám định kỳ ở bệnh viện tỉnh nhưng vì tình trạng hẹp nghẽn ở vùng sau (ẩn giấu), kết quả đo điện tim và siêu âm tim bình thường nên không được phát hiện sớm. “Đây là một tình trạng rất khẩn cấp, nếu không nhanh chóng can thiệp có thể diễn tiến nhanh gây đột tử”, bác sĩ Long nói.
Ông Dũng bị rối loạn mỡ máu hơn 10 năm nay, có uống thuốc theo toa đều đặn nhưng không kiêng khem ăn uống, vẫn tiếp tục hút thuốc lá, chỉ số BMI ở mức béo phì độ I. Đêm 27/3, ông đau ngực sau ức, đau lan lên hai vai, cảm giác mỏi hai tay, kéo dài liên tục 3 giờ. Ông được đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu ngay trong đêm, điều trị 24 giờ với thuốc chống đông, kháng kết tập tiểu cầu và hạ lipid máu… Khi tình trạng tạm ổn, bác sĩ chỉ định chuyển viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ tiến hành kiểm tra và hội chẩn nhanh, chỉ trong vòng 30 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa lên phòng thông tim để thực hiện can thiệp mạch vành.
Với sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), bác sĩ đo đạc chính xác đường kính mạch máu, đặt 1 stent phủ thuốc kích thước 3.5 x 24mm vào mạch máu lớn 3.5mm, khai thông dòng máu thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân không còn đau ngực, hồi phục nhanh và được tư vấn bỏ thuốc lá, giảm cân, ăn uống lành mạnh để kiểm soát mỡ máu, phòng ngừa tái hẹp trong stent dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim.
Biến chứng nguy hiểm của rối loạn mỡ máu
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân Dũng có tiền sử rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm. Đây là yếu tố nguy cơ gây hẹp mạch vành – tiền căn của nhồi máu cơ tim cấp.
Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu) là tình trạng bất thường của lipid trong máu. Để chẩn đoán rối loạn mỡ máu, bác sĩ cần xét nghiệm 4 chỉ số mỡ máu: Cholesterol toàn phần, LDL-C (cholesterol xấu), HDL-C (cholesterol tốt) và Triglyceride (chất béo trung tín). Khi mức LDL-C hoặc Triglyceride quá cao, hoặc mức HDL quá thấp, người bệnh được xác định rối loạn mỡ máu.
“Rối loạn mỡ máu nguy hiểm vì không có triệu chứng điển hình mà diễn tiến âm thầm. Do đó, người bệnh thường ít đề phòng, khi xuất hiện biến chứng thì bệnh đã trở nặng. Tình trạng rối loạn mỡ máu kéo dài gây tích tụ mảng bám bên trong mạch máu (xơ vữa động mạch), thu hẹp lòng mạch và cản trở máu đến nuôi tim. Khi lượng máu cung cấp cho tim, não và các bộ phận khác không đủ, người bệnh sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như hẹp mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, hẹp động mạch cảnh gây đột quỵ não, tắc động mạch ngoại biên dẫn đến hoại tử chi dưới…”, Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh khuyến nghị, những người khỏe mạnh nên xét nghiệm cholesterol 1-2 lần mỗi năm. Trường hợp những người thừa cân – béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, suy tuyến giáp, bệnh gan mạn tính; hoặc có người thân mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao, tăng huyết áp, đái tháo đường… nên đi kiểm tra cholesterol mỗi 3 tháng để phát hiện sớm rối loạn mỡ máu và điều trị kịp thời.
“Người gầy, người trẻ hoàn toàn có thể bị rối loạn lipid máu nếu ăn uống không lành mạnh như: ăn nhiều nội tạng động vật, thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá, ít vận động…”, Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh.
Cần làm gì khi bị rối loạn mỡ máu?
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết, trường hợp rối loạn mỡ máu nhẹ, người bệnh có thể chưa cần dùng thuốc điều trị, cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá… có thể giúp cải thiện “cholesterol tốt” và giảm lượng “cholesterol xấu” trong cơ thể, phòng ngừa rối loạn mỡ máu tiến triển. Theo đó, việc cắt giảm hoàn toàn thực phẩm chứa chất béo khỏi chế độ ăn là hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó, cần tăng cường thực phẩm chứa chất béo tốt (cá, các loại hạt, dầu ô liu, quả bơ…) và tránh xa chất béo xấu (có trong mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, bơ thực vật…).
Đối với một số trường hợp rối loạn mỡ máu nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc để cân bằng mức lipid trong máu cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai.
Song song đó, người bệnh rối loạn mỡ máu cần kiểm soát tốt bệnh nền đái tháo đường, bệnh thận, suy tuyến giáp…
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, hiện nay gánh nặng bệnh tim do xơ vữa động mạch ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động. Trong đó, rối loạn lipid máu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới và các bệnh nguy hiểm khác. Việc phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị rối loạn lipid máu đúng cách giúp giảm gánh nặng bệnh tật và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Vào lúc 20h tối nay (30/3), trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh diễn ra chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Nhồi máu cơ tim, đột quỵ & các bệnh nguy hiểm từ rối loạn mỡ máu”, nhằm giải đáp thắc mắc về rối loạn mỡ máu, các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, cách điều trị và phòng ngừa…
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và TS.BS Trần Vũ Minh Thư – Trưởng khoa Nội tim mạch 2.
Xương Khớp Bảo Cốt Hoàn giúp giảm các triệu trứng đau nhức xương khớp, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tây do khí huyết ứ trệ & do phong thấp. Coastline Care đang là địa chỉ phân phối hàng chính hãng và giao hàng tận nơi trên toàn quốc.
Comments are closed.